Ông lão và Bác sỹ - The old man and the doctor

by: Hoàn Mỹ

Trong thời gian làm tình nguyện viên phục vụ bệnh nhân Covid - 19, có một tuần tôi phục vụ trong bệnh viện Thủ Đức.

Một chiều nọ, trong khi ngồi ghế đá nghỉ giải lao, vì quá mệt mỏi, tôi thiếp đi, rơi vào giấc ngủ lúc nào không hay...Tôi thấy mình đang tản bộ ra viếng Đức Mẹ trong khuôn viên bệnh viện. Tiết trời cuối thu se lạnh, mây xám xịt khiến bầu trời như thấp hơn, dãy xe cứu thương trắng toát đang xếp dọc lối đi càng tăng thêm vẻ ảm đạm, lạnh lẽo.

Đức Mẹ đứng đó, uy nghiêm, tay ẳm Chúa Hài Đồng. Gió thoảng nhè nhẹ, nhành cây đong đưa theo gió, buồn thay! Không có ai ngoài tôi đứng cầu nguyện. Dịch bệnh đã níu chân, dồn mọi người vào những khu cách ly, bệnh viện, và nó còn làm hơn thế nữa...

Trong mơ, tôi làm dấu thánh giá, và thưa chuyện cùng Mẹ, rồi bước đến ghế đá cách đó không xa, ngồi nghỉ ngơi.

Chợt, tôi nhìn thấy một ông lão bước ra từ lối vào tượng Đức Mẹ. Tôi ngạc nhiên: “mình vừa nơi đó bước ra, sao khi nãy không thấy ông?”, cảm giác tò mò, hiếu kỳ khiến tôi chú ý hơn. 

Ông lão bận áo kaki tím đã úa màu, quần vải đen, nhìn rất hợp với đôi giày đen bám bụi đỏ ông đang mang, tay ông ôm một túi xách da bạc màu, trông rất sạch sẽ.

Ông đến ngồi ghế đá cạnh bên, rồi lấy từ túi xách da một quyển sách bìa đỏ, khẽ vuốt nhẹ tay lên mặt bìa, mở ra, chăm chú xem. Tôi quan sát:  ông ngoài 80 tuổi, tóc bạc trắng, mặt sạm đen, nhưng đôi mắt rất sáng và sắc. Không để ý đến ông nữa, tôi ngồi ngay ngắn lại và định thần, nhắm mắt. 

Một giọng nói nhẹ nhàng: “Chào ông ạ!”.Tôi mở mắt nhìn sang... Một người đàn ông khá trẻ, bận blouse trắng, quần kaki xanh, đang đứng cạnh ông lão.

Ông lão từ tốn:  

-         Vâng, chào bác sỹ, mời bác sỹ ngồi.

“Con cảm ơn!”, nói xong, vị bác sỹ  ngồi xuống cạnh ghế, rồi móc từ túi áo ra một bịch kẹo, lấy một viên ngậm, anh chợt thở dài...

Tiếng thở rất não nề, chậm chạp, mệt mỏi. Lúc này, ông lão lên tiếng: “Ta nhìn sắc diện và nghe hơi thở của con, dường như con rất mệt mỏi và bế tắc”.

-         Vâng, con rất mệt mỏi, bế tắc, và gần như tuyệt vọng.

Ông lão gật đầu thông cảm, rồi quay hẳn sang vị bác sỹ:

-         Ông tò mò một chút, ông muốn biết: động lực để con phục vụ bệnh nhân là gì?

Vị bác sỹ trầm tư:

-         Là gia đình, kiếm tiền lo cho con cái; là trách nhiệm của một lương y.

Nói đến đây, vị bác sỹ lại thở dài: “Ông ạ!, gần hai tháng nay, vì sự an toàn cho mọi người trong mùa dịch bệnh,  con không về nhà, con rất nhớ vợ và con gái nhỏ, thèm bữa cơm gia đình, thèm bầu khí cầu nguyện sau bữa cơm tối, thèm nghe tiếng chuông nhà thờ..”

Đôi mắt ông lão ánh lên, trìu mến nhìn vị bác sỹ:

-         Con giữ an toàn cho gia đình, là con xử sự theo luật tự nhiên; con chăm sóc bệnh nhân bằng khả năng con có, là con giải quyết sự việc theo đúng đường lối khoa học. Như vậy là đã sống trọn tình với mọi người, nhưng con vẫn phiền não, hay con thấy bản thân trọn tình nhưng chưa đạt hoàn mỹ?.

Vị bác sỹ bất ngờ khi nghe ông nói đúng tâm tư mình, vội ngồi thẳng lên, chăm chú nhìn ông lão, tập trung lắng nghe hơn. anh cảm như có sự cao quý phát ra từ đôi mắt ông lão, mang theo sự bình an.

-       Ý ông là con chưa phát huy hết? Còn khiếm khuyết gì đó? -- vị bác sỹ hỏi.

Ông lão tỏ ý thương cảm:

-         Đúng vậy, con chỉ đang dựa vào nguồn lực phát ra từ sáu giác quan: mắt, mũi, tai, da, lưỡi và trí của con, để khám phá thế giới bên ngoài. Con chưa đạt được tầng huệ thức để nhận ra nguồn lực vĩnh cửu vô hình - đó mới là thứ chi phối các hoạt động con người. Con cần sống nương theo nó để có một cuộc sống tự tại, thông thái và bình an. Khi chạm được vào nguồn lực ấy, con sẽ có huệ nhãn (divine vision, cái nhìn linh thánh), và hiểu tại sao có người được phúc, cả đời không phiền não;  có người thì gặp hoạ, tai liên tục.

-         Nguồn lực ông nói đang ở đâu?

-         Ở trong Đấng Toàn Năng.

Vị bác sỹ thắc mắc:

-         Con biết đi đâu tìm Ngài?.

--- Ngài đang trong tim con, trong kinh thánh có câu: "Vào ngày đó, bạn sẽ nhận ra rằng tôi ở trong Cha tôi, và bạn ở trong tôi, và tôi ở trong bạn." (Gioan 14:20)

Vị bác sỹ thở dài, tỏ vẻ thất vọng:

- Đâu dễ  gì có được siêu lực của Thiên Chúa.

Ông lão vội tiếp lời:

-         Con không thể có siêu lực của Thiên Chúa, nhưng nếu con thấy và chạm được vào, con sẽ là “bản sao” của Người, đó cũng là ý Chúa muốn, nên xưa kia Người tạo ra con người giống hình ảnh mình; Không dễ chứ không phải không thể. Vấn đề là con có đức tin đủ mạnh và tâm ý kiên nhẫn để tìm đến hay không.

Vị bác sỹ gật gù tâm đắc:

-         Đúng vậy, con người sống trong thành kiến, chỉ dựa vào khả năng hạn hẹp của mình để mưu sinh mưu cầu, lại còn tự cao vỗ ngực, xem đó đã là uyên thâm. Thực ra, họ nhìn thế gian bằng suy luận giới hạn, nhận định phiến diện, hành động nông cạn, kết quả kém hiệu quả.

Ông lão tỏ vẻ hài lòng, trìu mến nhìn vị bác sĩ:

-         Con cứ kiên nhẫn, từ “thấy” đến “chạm vào” là cả một quá trình, hiếm người chạm được, nhưng nếu chạm đến rồi, sẽ "thấy" bình an, vĩnh tại.  

Vị bác sĩ tư lự:   

-         Vậy, con người phải tìm sự bình an, vĩnh tại ở đâu, bắt đầu từ đâu?

Ông lão dùng tay phải đặt lên quyển kinh thánh:

-         Ở đây.

Vị bác sỹ chăm chú nhìn:

-         Trước đây con thường đọc sách kinh thánh, nhưng có nhiều thứ con không hiểu.

Ông lão nói:

-         Con có nhớ đoạn thánh Marcô chương 5, câu 24-29 không?, đoạn nói về người phụ nữ bị rong huyết đã 12 năm, bà chen vào giữa đám đông, tiến đến phía sau, sờ vào áo ngoài của Chúa Giêsu , và tự nhủ: “Mình chỉ cần sờ vào áo ngoài của ngài là được lành bệnh”. Và bà được chữa lành.

Vị bác sĩ im lặng suy nghĩ:

-         Vâng, con nhớ. Chỉ chạm vạt áo đã khỏi bệnh, đức tin của người phụ nữ thật mạnh mẽ. Vượt lên tất cả sợ hãi.

Ông lão vui vẻ: “Đúng vậy, nói theo cách khác, người phụ nữ đã vượt khỏi vòng DANH (tên), SẮC (hình), TƯỚNG (ý), tức là bà ấy chạm đến cõi "bất khả tư nghị... (không thể nghĩ)". Và vì vậy, đã không còn khổ não.

Vị bác sĩ chăm chú nhìn ông lão:

-         Ông gợi ý giúp con, con cần làm gì để không còn khổ não?

Ông lão trìu mến nhìn vị bác sĩ: “Muốn được vậy con phải dựa vào tha lực, tức là dựa vào Thượng Đế, con cần cầu nguyện, thường xuyên dự thánh lễ,..., hoặc dựa vào tự lực, như đọc, nghiên cứu kinh thánh, thấm nhuần tinh hoa trong đó,... ; hay con ngồi tịnh tâm (thiền) trong tỉnh thức, tập trung trong hơi thở, nhìn các hiện tượng nội tâm biến diễn, nhưng không chạy theo chúng; khi tâm thanh tịnh vắng lặng, trong suốt, con sẽ bước vào cõi bình an, con sẽ nhận được ánh sáng của Ngài, và "thấy" những định luật tự nhiên, vĩnh cửu, vô hình chi phối các hoạt động con người. Khi đó, qua góc nhìn tâm linh, bản thân con sẽ chứng nghiệm và hiểu thấu đáo "Ta là con đường, sự thật và sự sống." (Gioan 14:6).

Muốn có được ơn phúc, ngoài việc giải quyết sự việc theo khoa học, con còn phải xử sự theo đúng định luật tự nhiên. Chỉ vậy con mới có thể nhìn ra sức sống trong tâm hồn mình, và truyền sức sống ấy cho bệnh nhân.”

Vị bác sĩ trầm ngâm, thắc mắc hỏi:

-         Con cần bắt đầu thế nào ạ?

Ông lão không vội trả lời, đứng lên, đặt tay lên quyển kinh thánh, từ tốn nói:

-         Từ đây, quyển kinh thánh này.

Vị bác sĩ vội vàng đứng lên:

-         Con cảm ơn ông đã gợi ý một con đường. Con sẽ dành thời gian tìm hiểu.

Như có một sức hút, Anh chìm đắm nhìn quyển kinh thánh trên tay ông lão.

Qua ánh mắt chăm chú đó, Ông lão hiểu ý, hai tay cầm quyển kinh thánh, đưa lên, và nói:

-         Ông tặng con quyển kinh thánh  này, mong rằng con sẽ nhìn ra lối đi vào tâm linh.

Vị bác sĩ trịnh trọng hai tay nhận lấy, cúi đầu cảm ơn.

Khi anh ngước lên, ông lão đã quay đi...vị bác sỹ ôm quyển kinh thánh vào lòng, thong thả đi vào khu cấp cứu của bệnh viện.

Tôi nhìn theo ông lão, dáng cao gầy của ông, như muốn che khuất hẳn ánh chiều nghiêng còn sót lại, rồi bóng ông khuất hẳn sau lối vào tượng Đức Mẹ.

Reng...reng...reng...tiếng chuông báo hết giờ giải lao, tôi giật mình tỉnh giấc. Tôi nhận ra, mình vừa được nhận một giấc mơ bình an, được Chúa thánh thần soi sáng thêm nhiều về kinh thánh.

Lời kết:

Tôi lặng lẽ quay vào nơi làm việc, cảm giác tiếc nuối vì giấc mơ không dài...

Con người hay phàn nàn Thượng Đế khi gặp vấn đề không giải quyết được, trách Ngài  không nhìn đến. Nhưng con người đâu biết rằng: khi gian nan, bế tắc hay u sầu, cũng như khi sung sướng hạnh phúc, Thượng Đế vẫn luôn bên ta, chạm vào linh hồn ta qua trung gian của sáu giác quan và bộ nhớ, Ngài kiên nhẫn chờ đợi ta trực tiếp chạm vào Ngài mà không dùng sáu giác quan và bộ nhớ. 

Như câu chuyện trong Marco chương 5, câu 24-34: nhìn hình tướng bên ngoài, người ta thấy người phụ nữ dùng tay đụng vào áo khoác của Ngài, nhưng thực ra, đức tin vô hình mạnh mẽ, với sự mong mỏi nhận được ân sủng từ Giê-su, giúp linh hồn bà chạm vào linh hồn Chúa ở bên trong. 29Ngay tức khắc máu cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.” 34 Ngài nói với bà: "Này con, đức tin của con đã chữa lành cho con. Hãy về bình an và được khỏi hẳn bệnh".

Nếu được soi sáng, nhìn ra và có lòng Tin, Cậy, Mến. Khi đó, chặng đầu tiên chúng ta sẽ thấy, đó là: được Chân Thiện Mỹ ngay trong cuộc đời này.

Hoàn Mỹ.  



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Nhật ký bác ái

ÁNH SÁNG HỘI TỤ