VỌNG TIẾNG ÂN TÌNH

 

Thủ Đức. Thứ Sáu, ngày 20 tháng 6 năm 2023

VỌNG TIẾNG ÂN TÌNH

“Những đôi mắt xoe tròn đã tăng nhịp đập con tim khi nhìn thấy những cây bút bi, quyển tập, bao dán đủ màu sắc, đầy hình ảnh vui tươi…” Đó là điều chúng tôi ‘nghe’ bằng con tim trong một ngày cuối tuần tháng 6, khi đến với các em mồ côi trong cô nhi viện Xuân Tâm, Đồng Nai. Như lời các ân nhân đã dặn dò: “Hãy giúp chúng tôi đem niềm vui đến cho họ, hãy lên tiếng để các em mồ côi biết rằng – Chúng ta luôn nhớ đến các em và yêu thương các em”.

Trong khi chờ các Soeur ra mở cổng, chúng tôi quan sát chung quanh,..Buổi chiều trong khuôn viên Viện vắng lặng im ắng, đến độ chúng tôi nghe được tiếng lá xào xạc, hàng cây bạch đàn chạy bao bọc hồ nước bên hông Viện, thỉnh thoảng vài chiếc lá theo gió rơi nhẹ trên mặt hồ, rồi lững lờ trôi trên mặt nước êm ả, làm tăng thêm sự tĩnh lặng đến lạ kỳ! Nhưng mấy ai biết, ngoài tiếng xào xạc của lá, thỉnh thoảng khi ánh nắng ban mai chưa kịp ló dạng, nơi đây còn nghe tiếng trẻ khóc oe oe – đó là âm thanh mà chúng tôi được Soeur Anna Vân chia sẻ khi gặp: “Thỉnh thoảng khi trời sáng, chúng tôi nghe tiếng trẻ con khóc, vội chạy ra xem, không hiểu vì lí do gì, có đứa trẻ còn đỏ hỏn được bọc trong tã và bỏ bên bờ hồ, trong một thau nhựa, có khi là rổ nhựa, cũng có khi chỉ là một tấm ni-lon mỏng cũ kĩ. Các Soeur vội giữ ấm cho trẻ và mời chính quyền đến xác nhận, sau đó đem về chăm sóc trong Viện.”

“Để an toàn cho trẻ, chúng con thường khóa cửa, hạn chế người lạ vào hoặc tránh các em mãi chơi đùa rồi ra bên ngoài ngã xuống hồ nước.” – đó là lời trần tình của Soeur Anna Vân viện phó khi tiếp chúng tôi. Theo lời Soeur Anna, sau khi dịch Covid lắng đọng, mọi thứ dần khó khăn hơn, người giúp thì không còn khả năng giúp, Viện gói ghém và tiết kiệm để có cho các em ăn uống. Sống nhờ vào bà con xóm giềng nơi đây là chính, họ chia sẻ bó rau, bịch cà,..

Sau khi tham quan nhà bếp, lớp học, chúng tôi hiểu thêm hoàn cảnh hiện nay của viện, và hiểu ra: Soeur Anna còn nói bớt đi - sự thật khó khăn hơn rất nhiều. Bếp thì cạn kiệt, chỉ có vài bịch rau, ngăn chứa gạo trống trơn, bàn ghế nơi các phòng sạch sẽ ngăn nắp. 

Soeur đưa chúng tôi dạo quanh, lúc này sự tĩnh lặng biến mất. Nào là tiếng bi bô đánh vần, tiếng Soeur phát âm mẫu, tiếng cót két của những chiếc ghế gỗ đã cũ sờn, tiếng các em í ới gọi nhau, tiếng cười nói hồn nhiên, tiếng chào lễ phép khi các em gặp chúng tôi. Mỗi âm thanh như một nốt nhạc, réo rắt tận lòng người, Tất cả hòa quyện vào nhau vui vẻ lao xao, tạo nên khúc nhạc du dương, len lỏi thủ thỉ vào tai chúng tôi – âm thanh ấy như khuấy động và nhắc nhở chúng tôi: Thượng đế tạo ra những âm thanh trầm bổng, mỗi âm có một ý nghĩa riêng của nó. Người tạo ra cảm xúc cho con người, có người nói thì có người nghe, và người nghe hiểu theo cách của họ, cách họ xem là tốt cho họ. Nói đến đây, tôi chợt nhớ một câu chuyện…

Ở một ngôi làng nhỏ vùng ven, nơi đó toàn người già sinh sống. Một ngày nọ có một du khách tình cờ ghé ngang ngôi làng, khi đến một căn nhà nhỏ, vị khách thấy có một cụ ông đang tỉa cây vườn, tay làm miệng huýt sáo, cạnh cửa nhà, cụ bà đang ngồi xe lăn trông rất thanh thản, tự tại. Nhưng điều làm người du khách thắc mắc không phải chuyện đó, vị khách nghe cụ ông huýt sáo không theo bài hát nào cả!?, không trầm bổng nhịp nhàng, cứ như một cây Fa, 2 cây Mi, 1 bó Rê và một ít Sol, La, Si trộn lại hỗn độn vậy.

Du khách tò mò hỏi cụ ông: Bác huýt sáo bài gì vậy? bác không sợ làm cụ bà ngồi kia khó chịu à? Cụ ông trả lời: “Đó là vợ tôi, tôi đâu biết huýt sáo, chỉ mới tập từ khi vợ bệnh tai biến làm tay chân liệt và đôi mắt đã mù anh ạ, cũng may tai còn nghe được. Tôi làm gì hay ở đâu trong nhà cũng huýt sáo để vợ biết là tôi vẫn đang bên cạnh, vẫn sẳn sàng chạy đến khi cô ấy cần.”

Vậy đó, âm thanh từ con tim luôn là tuyệt phẩm, nó có ý nghĩa rất sâu xa, nó vọng vào tai và hóa thành điệp khúc: “tôi đang ở đây, đừng lo!”.

Chúng tôi thấy những đứa trẻ mồ côi, thiểu năng thường có đôi mắt rất sáng, long lanh,. Nhưng thứ hoạt động mạnh nhất của chúng là đôi tai các bạn ạ. Trẻ luôn muốn nghe, tai thu nạp âm thanh và bộ não phân tích chúng, dần dần trẻ thích nghe những âm thanh cho nhu cầu bản thân như: âm leng keng ly tách, âm lẻng xẻng nồi niêu – đó là báo hiệu sẽ được ăn uống; nghe ‘chào con’ là biết có người đến, nghe ‘tặng con’ là biết có quà, nghe tiếng chuông là biết đến giờ đi lễ viếng thăm Jesus, cầu nguyện cho nhau…

Việc thiện nguyện kèm chút tình qua những phần quà như một đoạn phiên khúc của tuyệt phẩm vậy - ‘cô bác vẫn nhớ các con’ là phiên khúc tình yêu giàu cảm xúc nhất thế gian này. Tuy cây bút, quyển vở mà các em được nhận là vô tri, nhưng nó lại là một loại vật cụ ẩn thanh âm sống động, khi chạm vào vật vô tri đó, các em long lanh mắt, miệng cười vui. Những anh chị em mạnh thường quân đã cùng chúng tôi phát ra tiếng huýt sáo với ca từ ‘cô bác vẫn còn ở cạnh các con nè!.’ - chúng ta đã làm như cụ ông trong câu chuyện.

Đó là nhìn từ góc độ trần tục, góc độ sâu xa hơn, mỗi chúng ta chính là một cụ bà mù, đang lắng nghe và muốn nghe âm huýt sáo, để chúng ta không rơi vào vô định, mất phương hướng, bị chi phối bởi sự thờ ơ vô cảm..

 Thật vậy, như kinh thánh có đoạn Đức Jesus nói với môn đệ Peter: “Thầy bảo thật anh: nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” (Mat-thi-tho, chương 26). Đức Jesus đã cho Peter nghe tiếng gà gáy, để ông nhớ lời Người, và rồi chính tiếng gà gáy đó làm Peter khóc thức tỉnh, từ đó ông dần trở thành một trụ cột của giáo hội công giáo. Đến hôm nay, âm bi bô đánh vần của các trẻ nhỏ làm thức tỉnh tâm hồn và đánh động trái tim chúng tôi, như xưa Peter khóc vì dối Đức Jesus thì nay chúng tôi rơi nước mắt khi trái tim được đánh động.

Gần đây, báo Hàn Quốc đăng tải về một tài xế tên YooByeong-Jo, anh Jo đã cứu nhiều người trong một đường hầm ngập nước, nghĩa cử của anh được các công ty vận tải tặng một số tiền khá lớn để mua xe tải khác thay thế xe của anh đã bị hỏng trong đường hầm. Các công ty đó vì tình người mà cho anh Jo, nhưng phần nào đó cũng giúp chính họ trong việc quảng bá thương hiệu; Anh Jo được nhận những thứ mà anh xứng đáng có khi cứu người.

Vấn đề chúng ta cần hiểu trong câu chuyện, không phải là giá trị họ nhận được sau khi có nghĩa cử đẹp. Anh Jo đã thể hiện tình người với người, và xem đó là việc đương nhiên phải làm trong hoàn cảnh đó khi anh nói: “…Tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến là cứu người…” đó chính là mấu chốt hành động của anh Jo, anh ấy yêu thương đồng loại, xem cứu người là việc đương nhiên phải làm, và phúc đã đến với anh, hành động đó đã chạm được vào tình yêu Đấng Toàn Năng cách chủ động, đúng theo lời kinh thánh: 'It is more blessed to give than to receive.' (Acts 20, 35)  - ‘Cho thì có phúc hơn nhận’.

Khi cho đi, ta đừng mong được trả ơn bằng những cách thế gian hay làm, nó sẽ làm mất đi giá trị ‘cho đi’, bởi khi đó ‘cho đi’ đã hóa thành ‘ nhận lại’. Những mạnh thường quân đồng hành cùng chúng tôi đã ‘cho đi’, và đó chính là ‘tấm vé’ giúp họ được nhận PHÚC mai sau khi được xướng tên vào cõi trường tồn. Bởi Thượng đế khi tạo ra con người, Ngài đã ban thứ duy nhất giúp con người làm vốn sống trần gian, đó là TÌNH THƯƠNG. Tình gia đình, tình anh em, tình đồng loại,… Thượng đế đã tạo ra con người với gốc là tình yêu thương. Suối tình yêu róc rách chảy từ Thượng đế đến Đức Jesus, từ Đức Jesus đến với các môn đệ, và len lỏi vào mỗi chúng ta, tích tụ và tiếp tục chảy vào từng trái tim nhỏ bé mồ côi cơ nhỡ, để rồi âm thanh tình yêu đó làm trong xanh dòng suối nhỏ trong tim các trẻ mồ côi hôm nay.

Để kết thúc lời chia sẻ, xin gửi một thông điệp dến mọi nhà:

Nếu có nhiều tình thương

Sẽ không cần lo nghĩ

Bởi tay ta đã nhận

Khóa nước trời mai sau

 

Khóa này ta xứng nhận

Chỉ cần ta ghi nhớ

Và thực hiện chu toàn

Không toan tính thiệt hơn:

 

Tấm bánh trong hộp kín

Thuộc người đói người nghèo

Áo treo nơi góc tủ

Là của kẻ lang thang

 

Tiền cất dấu vô tri

Nó thuộc người thiếu thốn

Muốn làm được như trên

Cửa tim cần mở rộng

 

Bởi thượng đế đã định

Sự chênh lệch giàu nghèo

Là muốn ta san sẻ

Thực thi phúc cho đời

 

Người dạy ta đầu tư

Nhờ chia sẻ tình người

Để mai sau thu hoạch

Nước trời đón chân ta.

 

Hoàn Mỹ

 

 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Nhật ký bác ái

ÁNH SÁNG HỘI TỤ

Ông lão và Bác sỹ - The old man and the doctor