Nhật ký bác ái

 THIỆN NGUYỆN VIÊN VÀ NGƯỜI NGHÈO

By:  Hoàn Mỹ  

(Suy nghĩ về những người nghèo, khi đến thăm và lắng nghe họ trong mùa COVID)

"Thiên Chúa là tình yêu, và hễ ai ở trong tình yêu thì ở trong Chúa, và Chúa ở trong người ấy"(1 Ga 4:16)

Đồng cảm với người cô thế nghèo khó, dễ không?

Muốn biết về người nghèo, một trong những cách tốt nhất, là chúng ta tìm đến họ qua việc đến thăm, tìm hiểu và hổ trợ để giải cứu cấp bách, hoặc định hướng cho họ tự vươn lên,. Dù với ý niệm thiện nguyện nào, chúng ta cũng sẽ nhìn được đời sống, và tư duy của lớp người cô thế nghèo khó, qua việc tìm đến – lắng nghe – giúp đỡ.

Người cô thế nghèo khó rất dễ bị tổn thương, dễ thu mình lại, thậm chí ‘lạnh lùng’. Nếu không thật sự mang theo trái tim đầy tình mến, tấm lòng tràn nhân nghĩa, nghĩa cữ đậm yêu thương trong sự tôn trọng,. Bạn sẽ không có cơ hội đồng cảm với họ, có khi còn phản tác dụng.

Từ khi Sài Gòn ‘ai ở đâu, ở yên đó’, mọi sinh hoạt cộng đồng phải tạm ngưng. Chỉ trong hơn hai tháng, người nghèo cạn tiền dự trữ và kiệt quệ lương thực, họ sống từng ngày nhờ sự giúp đỡ của những tổ chức, cá nhân có tấm lòng bác ái, nhờ sự xẻ chia từ hàng xóm..v..v... nếu đặt câu hỏi: “Ta gửi quà rồi đi, họ có nhớ ta không?”, hầu hết sẽ tự trả lời: “sẽ không nhớ”..

Tôi đã từng bị một lần: Hôm đó, tôi đến trao quà cho những người đang trong hẻm bị phong tỏa, trong đó có chị Ng. Th. T, ở đường Tỉnh lộ 43, Thủ Đức. Ngoài phần quà do các Soeur gửi, tôi còn

gửi thêm một gói quà do tôi chuẩn bị. Chị T. Phải vất vả chở đầy trên xe đạp để vào phòng trọ. Qua hôm sau, tôi đem thêm vài bịch xà bông giặt, định gửi thêm cho họ. Kỳ lạ!, mọi người khi nghe điện thoại, đều hỏi: “anh là ai?”. Tôi hơi...ấm ức. Nhưng tôi hiểu ra ngay, do lần trước tôi vội vàng giao quà, tranh thủ chộp tấm hình rồi..về. Có thăm hỏi gì đâu mà muốn người ta nhớ mình?, thậm chí tôi còn  không nhớ tên họ.

Rút kinh nghiệm, tôi dành thời gian hỏi thăm, động viên, chia sẻ một chút tình hình bên ngoài. Ra về, tôi rất thoải mái dù mới được nghe toàn chuyện khổ cực vất vả. Tối đó tôi thấy ấm áp hơn khi nhận các tin nhắn cảm ơn chân thành của họ. Họ đã nhớ và cảm ơn tôi, vì họ nhận ra hoàn cảnh của họ nhận được sự đồng cảm thật sự.  Đến lúc này, tôi mới thấm thía lời Chúa dạy: "Ngươi phải yêu tha nhân như chính mình"(Lv 19:18; x Mc 12:29-31)

Đời sống vật chất thiếu hụt, đời sống thiêng liêng vững vàng

Tôi đã may mắn tiếp xúc, chứng kiến và lắng nghe nhiều hoàn cảnh thời điểm đó, và tôi nói các bạn nghe: Họ biết tự tạo niềm vui hạnh phúc: họ những buổi cầu nguyện đơn sơ với Chúa, với Phật, với tổ tiên ông bà.

Hôm đến thăm, phát quà cho chú Ng. Tr. Kh. , ở đường Tam Châu, Tam Phú,Thủ Đức. Chú tâm sự: “Biến cố này giúp chú nhìn lại, nhìn lên, và chú chuyên tâm thiền định, ngồi niệm kinh trước Phật tổ sáng tối. Chú thấy thanh thản, và sẽ giữ nếp đến hết cuộc đời ngắn ngủi còn lại”; Hay như một lần đến nhà Anh Đa Minh Đ. Đ. V. ở đường 8 Linh Xuân, cửa đóng, tôi định gõ cửa thì nghe tiếng Đức Tổng Giuse đang giảng lễ trên tivi, nhìn qua cửa  sổ, thấy cả nhà anh ngồi chăm chú  nghe, tập trung đến nỗi tôi đến mà không biết..

Khi thú vui hay thói quen thường ngày không còn nhiều do đại dịch, thời gian ‘rảnh rỗi’ sẽ tăng lên. Có người chúi đầu vào game, có người nằm ngủ ‘chống đói’, có người ngồi thở dài, có người tranh thủ học online; nhưng cũng có nhiều gia đình dành khoảng trống đó để suy niệm, hướng về Chúa. Tuy cái nghèo mãi đeo bám, đầu tắt mặt tối quanh năm; Hvẫn ngước nhìn Thiên Chúa với mong ước được an ủi, khao khát được đầy ơn; cầu xin sức khỏe, may mắn để thoát mùa dịch an toàn.  Họ có được thỏa lòng?, có được no đầy?. Chắc chắn! họ sẽ được che chở, ủi an, bởi Chúa nhân ái giàu từ bi, sẽ không bỏ rơi ai tìm đến Ngài. Họ nhìn ra Chúa đang nằm ngay trong tim, nhìn ra một con đường nhỏ để tìm đến và kết hợp với Ngài, họ sẽ tràn trề hạnh phúc, no ấm cả mai sau.

Dung hòa đời sống vật chất với đời sống thiêng liêng 

Cuộc sống thế gian bây giờ khác nhiều lắm. Ngày xưa dân số ít, tài nguyên nhiều, con người sống thong dong, không sợ thiếu nơi ở, không cần lo lắng kế sinh nhai. Ngày nay, dân số quá đông, tài nguyên cạn dần, môi trường ô nhiễm, cây rừng thưa thớt, nước biển dâng cao; người nghèo càng giảm đi cơ hội sinh tồn. Chính vì thế, để duy trì sự sống còn, họ đã trang bị một tư duy mới, dung hòa với môi sinh hiện tại. Họ yêu nghề, yêu bản thân, yêu người; cố gắng làm việc, mưu sinh mưu cầu hạnh phúc qua việc gặp gỡ Chúa trong các giờ cầu nguyện, hiệp dâng lễ online, và họ lấy đó làm phương cách vươn lên, để tạo ổn định cho bản thân và gia đình. 

Con người không chỉ sống nhờ vật chất, họ còn cần được lắng nghe thánh ý Chúa. Như lời Chúa đã đáp lại khi bị quỷ cám dỗ: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra." (Mt 4,4). Con người là giống duy nhất được sinh ra giống hình ảnh Thiên Chúa, nếu chỉ sống chỉ vì vật chất, cộng thêm háo danh, tham của, ích kỷ, thì cuộc sống trở nên vô vị, và linh hồn sẽ băng giá vì thiếu ánh sáng. 

Để dung hòa cho hoàn cảnh, người nghèo trong đại dịch đã duy trì đời sống thiêng liêng và sinh hoạt hàng ngày cách rõ ràng. Họ tạo sự cân bằng, tường bước vươn lên, qua đó nhìn thấy con đường giúp đời sống cao hơn và đẹp hơn. Họ dùng chút sức lực và tâm lực còn lại để len lỏi vào sâu thẳm cõi yên lặng của nội tâm,  nơi Chúa đang ngự trị và đưa tay chờ đợi. Quả vậy, khi ta đối diện với Ngài, ta mới thật sự nhận biết, ta là con Ngài, nhận ra ta không phải chỉ giống Ngài về hình hài, mà ta còn giống cả tính chất của Ngài.

Dung hòa người thiện nguyện (NTN) với người cô thế nghèo khó 

Một lần nọ, tôi đem phần tiếp tế vào cho cô Ng. Th. Th.Th. ở đường 4, Linh Xuân. Tôi muốn nói chuyện với hai người con bệnh tâm thần của cô, cô có vẻ không muốn vậy, nhưng vẫn gọi hai con ra. Tôi nói chuyện với hai cháu và thỉnh thoảng quan sát cô, nét mặt cô giãn dần, nụ cười xuất hiện. Muốn dung hòa, NTN cần tư duy bằng trái tim, trái tim là biểu ảnh của Chúa; Biểu ảnh đó như hạt cải, phải được gieo vào lòng đất, thực thi thánh ý Chúa bằng biểu ảnh của Chúa.

Tư tưởng NTN cần cởi mở, lắng nghe, đón nhận, trau dồi bằng nhiều hình thức như cầu nguyện; đọc lời Chúa hàng ngày. Mà đọc nghe lời Chúa thì cần động não suy nghĩ, đừng như con vẹt, phải giống như con tằm ăn dâu, nó nhả tơ, tơ tằm dùng dệt vải để may quần áo. Được vậy, sẽ như dòng nước chuyển động theo thủy triều, nó hiền lành thong thả, nó đẩy lục bình trôi, ôm đàn cá lượn, có sự sống trong lòng nó. Ngược lại, nếu tư tưởng NTN đóng khung, một chiều, giáo như một ao tù, vũng lầy nước đọng, sẽ không thể dung hòa.

Phải thực thi lời Chúa bằng hành động, đừng khư khư giữ trong não bộ, đã học và hiểu nhưng không thực thi, sẽ như giữ hạt ổi nằm trong hộp tủ.

Đừng nghĩ rằng học, hiểu và hành là dành cho trường học.  NTN cần nhìn thoáng và rộng hơn.  Chẳng hạn thời điểm dịch bệnh, chỉ ở tại nhà, cần học cách đối xử lẫn nhau, học từ giận cãi nhau, học nấu cơm, cùng đọc lời Chúa, cùng dự thánh lễ online, cầu nguyện..v..v..., Hay đi thiện nguyện thì học làm sao cho hiểu ánh mắt người nghèo, học sự chuyên cần vững tin từ họ, học cách mở lòng.

Cuối cùng, hãy noi gương Đức Chúa Trời, ghi chép lại kinh nghiệm, để người đi sau có thêm tài nguyên “học – hiểu – hành”, lấy đó làm nền tảng. Những phút giây NTN cầu nguyện, tâm sự và học hỏi lời Chúa, sẽ giúp khai hóa và đào sâu hiểu biết về Thiên Chúa. Từ đó thực thi đúng thánh ý Chúa, để nâng đời sống thiêng liêng lên tầm cao mới, vì đời sống thiêng liêng là trường tồn, toàn năng và bình an.

Muốn có sự dung hòa, hãy mở lòng đón nhận mọi tư tưởng  vui buồn, thăng trầm của người cô thế nghèo khó; nhìn vào trái tim Chúa đang phát ra ánh sáng, mở lòng để Ngài hướng dẫn, sẽ thu hút vạn vật kéo đến. 

Lời kết: Thiên Chúa là tất cả và tất cả là Thiên Chúa

Trong đời người, ai cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ, đứng trước một hoàn cảnh khó giải để duy trì sự sống cho thể xác và tâm linh. Khi đứng trước ngã ba đường, con người thường băn khoăn không biết tiến, lui, hay dừng; Một người tư duy theo thánh ý Chúa, sẽ mạnh mẽ dấn thân hơn là ù lì, yêu đời hơn là chán đời, lạc quan hơn là bi quan.

Con đường Chúa dọn sẳn, tuy hẹp nhưng sẽ giúp NTN rèn luyện tâm trí sắc bén, từ đó, NTN có khả năng giải quyết những nan đề bên ngoài để duy trì đời sống thiêng liêng, và rọi đèn bên trong để bới dẹp những tảng mây đen đang phủ kín xung quanh Chúa. Đúng như thánh Matthew đã viết:  Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường rộng dẫn đến hủy diệt, nhiều người vào nó. Nhưng cửa nhỏ và đường hẹp dẫn đến sự sống, ít người tìm nó. (Mt 7:13-14)

Người TNV cần sống đơn sơ giản dị, tìm đến Chúa qua những buổi cầu nguyện âm thầm 
trong nhà thờ, tại gia, bên đường, hay dưới gốc cây; Tìm Ngài qua Kinh Thánh bằng cách 
học, hiểu, và hành;  Linh hồn có sự khao khát muốn thấy Ngài, như lời Đức Giêsu phán: 
"Phước cho những người tin ta nhưng không thấy ta.”(Ga 20,29). Và tìm Ngài bằng cách 
giúp bệnh nhân trong các cơn đại dịch, dấn thân giúp tha nhân không sợ nguy hiểm, 
không vì tiền bạc, không vì danh vọng.  
 
Dù thành công hay thất bại, Ngài luôn đồng hành với chúng ta. Có người hỏi Ngài: 
“khi con thành công, dạo bước trên biển, con thấy hai vết chân trên bãi cát, một của 
con, một của Ngài, nhưng khi con thất bại, con chỉ thấy một dấu chân của con, không 
thấy dấu chân của Ngài. Vậy Ngài ở đâu?”  Ngài mỉm cười đáp,: “Con à, Ta lúc nào 
cũng thương con.  Khi con thất bại đau khổ ê chề, con yếu đuối, thiếu niềm tin, con cần 
dưỡng bệnh, ta cõng con trên lưng, sưởi ấm tim con, chữa lành bệnh con, cho nên con 
chỉ thấy một dấu chân.” [1] 
Một ngày nào đó, khi linh hồn ta trở nên trong trắng, không dính một bụi trần nào lẫn 
trong và ngoài và thật sự chạm được Ngài, lúc đó ta bừng tỉnh: Thiên Chúa là tất cả 
và tất cả là Thiên Chúa.
 
Thủ Đức, ngày 3/10/2021
By: Hoàn Mỹ  


[1] Lấy ý của bài thơ “Footprints”

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

ÁNH SÁNG HỘI TỤ

Ông lão và Bác sỹ - The old man and the doctor